Trợ lực tay lái là bộ phận quan trọng trong hệ thống lái ô tô. Nếu trợ lực lái gặp vấn đề thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc điều khiển vô lăng.
Trợ lực tay lái là gì?
Trợ lực tay lái ô tô là một hệ thống bổ sung thêm lực cần thiết, giúp việc đánh lái vô lăng trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Vô lăng ô tô vốn rất nặng, để điều khiển cần một lực rất lớn. Tuy nhiên, nhờ có hệ thống trợ lực lái mà người lái không cần dùng sức quá nhiều.
Các loại trợ lực tay lái
Trợ lực tay lái thủy lực ô tô (trợ lực dầu)
Trợ lực tay lái thuỷ lực hay trợ lực dầu (Hydraulic Power Steering – viết tắt HPS) là loại trợ lực lái sử dụng áp suất dầu để hỗ trợ việc đánh vô lăng.
Cấu tạo trợ lực lái thuỷ lực gồm: bơm trợ lực, bình dầu, van phân phối, pít tông gắn vào thanh răng.
Nguyên lý hoạt động của trợ lực lái thuỷ lực: Động cơ truyền lực đến bơm trợ lực qua dây đai. Khi đánh lái vô lăng, van phân phối sẽ đưa dầu qua đường cấp dầu cao áp vào pít tông. Sự chênh lệch giữa áp suất dầu ở 2 đầu pít tông sẽ tạo ra lực đẩy, từ đó hỗ trợ đẩy thanh răng xoay theo hướng mà người lái điều khiển.
Ưu điểm:
- Cảm giác lái chân thực, người lái dễ cảm nhận được phản hồi từ vô lăng
- Chi phí bảo dưỡng thấp
Nhược điểm:
- Cảm giác đánh lái vẫn còn khá nặng, nhất là khi chạy xe tốc độ thấp
- Trọng lượng hệ thống trợ lực lớn, kích thước to, chiếm nhiều không gian
- Tiêu hao nhiên liệu nhiều do luôn trong trạng thái hoạt động
Trợ lực tay lái điện
Trợ lực tay lái điện (Electric Power Assisted Steering – EPS/EPAS hoặc Motor Driven Power Steering – MDPS) là loại trợ lực lái sử dụng mô tơ điện để hỗ trợ việc đánh vô lăng.
Cấu tạo trợ lực tay lái điện gồm: cảm biến đặt ở trục lái và mô tơ điện.
Nguyên lý hoạt động của trợ lực tay lái điện: Khi đánh lái vô lăng, cảm biến mô men xoắn ở vị trí trục lái sẽ gửi tín hiệu góc đánh lái đến trung tâm xử lý ECU. Từ đây ECU sẽ tính toán cho truyền dòng điện phù hợp đến mô tơ điện để đẩy thanh răng trên thước lái, từ đó hỗ trợ lực xoay vô lăng theo hướng người lái điều khiển.
Ưu điểm:
- Cảm giác đánh lái nhẹ, không dùng sức nhiều như trợ lực dầu
- Tiết kiệm nhiên liệu do sử dụng điện, không dùng sức mạnh động cơ
- Trọng lượng nhẹ
Nhược điểm:
- Cảm giác thiếu chân thật, phản hồi từ vô lăng ít
- Chi phí sửa chữa cao
Hiện nay trợ lực điện được sử dụng phổ biến hơn trợ lực dầu. Phần lớn các mẫu xe ô tô con, từ dòng phổ thông giá rẻ như Hyundai i10, Kia Morning, Toyota Vios, Hyundai Accent… đến xe hạng sang như xe của hãng Mercedes-Benz, BMW, Audi, Lexus, Volvo… đều sử dụng trợ lực lái điện. Điểm khác là các dòng xe cao cấp có thêm tính năng biên thiên theo tốc độ, nghĩa là khi xe chạy tốc độ thấp vô lăng sẽ nhẹ, khi xe chạy tốc độ cao vô lăng sẽ nặng để tạo cảm giác đằm, chắc tay hơn.
Tuy nhiên, nhiều hãng xe Nhật vẫn trang bị trợ lực lái dầu trên một số mẫu xe ô tô đó đòi hỏi độ chính xác và chân thật cao khi đánh lái. Các mẫu xe sử dụng trợ lực lái dầu đa phần là xe SUV và xe bán tải như Toyota Fortuner, Toyota Hilux, Mitsubishi Pajero Sport, Mitsubishi Triton, Nissan Terra, Nissan Navara…
Những lỗi trợ lực lái thường gặp
Một số lỗi trợ lực lái thường gặp:
Thiếu dầu trợ lực lái
Thiếu dầu trợ lực lái ô tô là một trong những vấn đề thường gặp với những xe ít được kiểm tra, bảo dưỡng. Để bơm trợ lực có thể hoạt động thì cần đến dầu để dẫn vào pít tông. Nếu xe bị thiếu dầu trợ lực lái thì khi đánh vô lăng ô tô sẽ cảm thấy không mượt, tay lái bị nặng, thậm chí phát ra tiếng kêu lạ.
Để kiểm tra trợ lực lái có thiếu dầu hay không chỉ cần kiểm tra mức dầu trong bình chứa. Nếu dưới mức cần thiết thì cần thay dầu trợ lực lái để đảm bảo hệ thống trợ lực lái có thể hoạt động trơn tru.
Dây curoa bơm trợ lực lái bị hỏng
Đây là lỗi thường gặp ở hệ thống trợ lực lái thuỷ lực. Dây curoa bơm trợ lực được thiết kế kết nối với trục bơm trợ lực, có nhiệm vụ truyền công suất từ động cơ đến bơm trợ lực. Nếu dây curoa bị mòn hay trục trặc sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống trợ lực lái.
Để biết dây curoa có bị lỗi hay không cần kiểm tra dây curoa bơm trợ lực. Nếu thấy mặt dây có nhiều vết nứt có nghĩa là dây đã mòn và cần thay mới. Còn nếu dây chỉ bị trượt trên bu ly thì chỉ cần căng lại dây đai. Khi dây curoa bơm trợ lực lái bị trượt thường sẽ có tiếng rít, vô lăng bị nặng do tốc độ hoạt động của bơm quay bị yếu.
Bơm trợ lực bị hỏng
Bơm trợ lực giúp cung cấp đủ áp lực dầu cần thiết đến hệ thống trợ lực lái thuỷ lực để hoạt động. Vì vậy, bơm trợ lực có vai trò rất quan trọng trong hệ thống trợ lực lái thuỷ lực. Nếu bơm trợ lực bị hỏng thì sẽ không cung cấp đủ áp lực dầu cần thiết khiến hệ thống không thể hoạt động bình thường.
Van phân phối dầu bị hỏng
Van phân phối dầu bị hỏng cũng là một trong những vấn đề thường găp của trợ lực lái dầu. Để kiểm tra van phân phối dầu có hoạt động bình thường không có thể dùng cách đánh hết lái sang phải rồi sang bên trái. Khi kiểm tra theo cách này, lốp xe ô tô phải có áp suất đúng theo quy định của nhà sản xuất.
Nếu van bình thường thì sẽ nghe thấy tiếng động nhẹ khi bánh được di chuyển lệch hẳn về một phía. Nếu không nghe thấy tiếng động gì thì có thể van phân phối dầu đã gặp vấn đề hỏng hóc nào đó. Tốt nhất nên đưa xe tới trung tâm sửa chữa xe để được kiểm tra và xử lý đúng cách.
Trợ lực lái là một bộ phận quan trọng trong hệ thống lái của xe ô tô. Nếu phát hiện bất dấu hiệu nào bất thường nên đưa xe đi kiểm tra để xử lý ngay. Không chỉ vấn đề ở trợ lực lái mà các vấn đề ở hệ thống lái nói chung như xe bị lệch tay lái, xe bị nhao lái… cũng cần sớm được khắc phục để đảm bảo có thể điều khiển vô lăng chính xác, lái xe an toàn.
Tham khảo thêm:
THÔNG TIN LIÊN HỆ
- Địa chỉ:
– Cơ sở 1: 88 Nguyễn Xiển, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
– Cơ sở 2: Toà nhà 1105, Do Lộ, Hà Đông, Hà Nội - Website: otofordthanhxuan.com
- Email: marketing@xefordthanhxuan.com
- Hotline: 0962 969 161
- Dịch vụ/ cứu hộ: 0962 969 161
- Đặt hẹn: 0962 969 161