Nước làm mát ô tô đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải nhiệt và duy trì nhiệt độ làm việc ổn định cho động cơ ô tô.
Nước làm mát là gì?
Nước làm mát ô tô có nhiệm vụ làm mát, giải nhiệt, giúp động cơ ô tô duy trì được nhiệt độ làm việc lý tưởng nhất.
Khi động cơ hoạt động, hỗn hợp không khí và nhiên liệu được đốt cháy trong xi lanh động cơ sẽ sản sinh ra một lượng nhiệt rất lớn. Tuy nhiên chỉ có một phần nhiệt được biến đổi thành công, phần còn lại toả ra ngoài làm nhiệt độ động cơ tăng cao. Nhiệt độ động cơ nếu tăng vượt ngưỡng cho phép sẽ khiến dầu nhớt không tác dụng bôi trơn tốt, dẫn đến lực ma sát tăng cao, khiến các chi tiết máy nhanh hao mòn, hư hại.
Ngoài ra, nếu nhiệt độ động cơ tăng quá cao còn có thể làm nhiệt độ dầu nhớt tăng cao theo. Nhiệt độ dầu từ 200 – 300 độ C có thể tự bốc cháy gây nguy cơ cháy nổ động cơ.
Đây chính là lý do vì cao động cơ cần có một hệ thống làm mát để giải nhiệt và duy trì nhiệt độ làm việc của động cơ ở mức lý tưởng nhất. Trong hệ thống làm mát này, nước làm mát đóng vai trò rất quan trọng, trực tiếp tham gia vào quá trình làm mát động cơ.
Nước làm mát sẽ được bơm chảy quanh động cơ thông qua hệ thống đường ống và mạch nước nằm trong động cơ. Nước làm mát giúp hấp thụ nhiệt từ động cơ, từ đó giảm nhiệt độ cho động cơ. Sau một chu trình làm mát, nước làm mát sẽ đi vào két làm mát để được làm mát lại bằng không khí trước khi bắt đầu chu trình mới.
Nước làm mát là một hợp chất gồm nước cất, dung dịch Ethylene Glycol cùng một số chất có tác dụng chống bốc hơi, chống ăn mòn, giảm lượng điện phân… và đặc biệt là chống đông. Chất chống đông giúp hạ điểm đóng băng và tăng điểm sôi để nước làm mát có thể làm việc tốt trong điều kiện khắc nghiệt.
Nước làm mát ô tô bao lâu thay?
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất ô tô nên vệ sinh két làm mát và thay nước làm mát ô tô sau mỗi 40.000 – 60.000 km vận hành (hoặc sau 2 – 3 năm). Trong trường hợp xe di chuyển với tần suất cao, tải nặng, chạy nhiều trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng… thì nên vệ sinh két nước và thay nước làm mát sớm hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng xe cũng nên thường xuyên kiểm tra nước làm mát để kịp thời phát hiện các trục trặc nếu có.
Dấu hiệu thay nước làm mát ô tô ngay
Ngoài việc căn cứ theo mốc thời gian mà nhà sản xuất đã khuyến cáo, nếu thấy xe có các dấu hiệu sau nên kiểm tra và thay nước làm mát càng sớm càng tốt.
Két nước bị tắc
Tình trạng này thường xảy ra khi xe đã lâu không được vệ sinh két nước và thay nước làm mát định kỳ. Bởi sau thời gian dài làm việc, két nước thường bị tích tụ nhiều cặn bẩn, dẫn đến nghẹt, tắc. Điều này dễ gây cản trở quá trình lưu chuyển nước làm mát, khiến đường ống bị tăng áp lực dòng, tăng nguy cơ rò rỉ.
Nước làm mát bị đục, có màu lạ, chứa cặn gỉ
Nước làm mát bị đục, có màu lạ là một trong các dấu hiệu cần kiểm tra hệ thống làm mát ngay. Nguyên nhân có thể do quá lâu chưa thay nước làm mát, chưa vệ sinh két nước làm mát, khiến nước làm mát bị biến chất. Một số trường hợp nghiêm trọng có thể vì két nước bị thủng gây gỉ sét nghiêm trọng.
Các loại nước làm mát ô tô
Nước làm mát có rất nhiều loại với nhiều màu sắc khác nhau như màu hồng, màu xanh lá, màu đỏ, màu cam, màu xanh dương… Thành phần hoá học khác nhau chính là lý giải tại sao nước làm mát lại có nhiều màu đến vậy. Tuỳ theo thành phần mà mỗi loại nước làm mát sẽ có nhiệt độ sôi, chỉ số đóng cặn và tuổi thọ sử dụng khác nhau.
Nước làm mát màu xanh lá và xanh lam thường sử dụng công nghệ phụ gia vô cơ IAT – Inorganic Additive Technology. Loại chất làm mát này thường chứa Silicat, chất ức chế ăn mòn Phosphat…
Nước làm mát màu cam, màu đỏ và xanh đậm thường sử dụng công nghệ axit hữu cơ OAT – Organic Acid Technology. Loại chất làm mát này không chứa Silicat hay Phosphat nhưng vẫn có chất ức chế ăn mòn tuy nhiên là chất hữu cơ. Loại này được đánh giá thân thiện với môi trường và được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Bên cạnh màu sắc, nước làm mát còn được phân loại Long Life Coller (LLC) và Supper Long Life Coller (SLLC). Sự khác biệt giữa LLC và SLLC chủ yếu là tỷ lệ thành phần Ethylene Glycol và LLC có thêm Diethylene Glycol trong khi SLLC không có.
Nước làm mát LLC thường có màu xanh lá và màu đỏ, còn SLLC có màu xanh da trời và màu hồng. Loại SLLC màu xanh da trời có thời gian sử dụng lâu nhất, tiếp đến là SLLC màu hồng. Loại LLC có thời gian sử dụng ngắn hơn. LLC thường được khuyến cáo sử dụng cho các dòng ô tô đời cũ, còn SLLC sử dụng cho xe đời mới. Để tiện cho chủ xe nắm rõ, nhiều hãng xe ô tô có ghi chú nên dùng nước làm mát LLC hay SLLC trong sổ hướng dẫn sử dụng xe.
Nước làm mát ô tô loại nào tốt?
Hiện trên thị trường có nhiều dòng nước làm mát ô tô đến từ nhiều thương hiệu khác nhau, trong đó được đánh giá cao và sử dụng phổ biến có thể kể đến:
Nước làm mát Liqui Moly
Liqui Moly là một hãng chuyên về dầu, chất bôi trơn và phụ gia hàng đầu đến từ Đức. Liqui Moly có nhiều dòng nước làm mát động cơ khác nhau, đa phần sử dụng công nghệ OAT. Ngoài nước làm mát, Liqui Moly cũng dung dịch vệ sinh hệ thống làm mát chuyên dụng.
Nước làm mát Prestone
restone là một hãng chuyên các loại hoá chất, phụ gia ô tô đến từ Mỹ. Nước làm mát Prestone được nhiều hãng xe lớn sử dụng, có ưu điểm tuổi thọ sử dụng lâu dài, dùng ngay không cần pha với nước.
Nước làm mát Focar
Focar là một hãng chuyên các hoá phẩm chăm sóc ô tô đến từ Việt Nam. Các sản phẩm của Focar sử dụng công nghệ chuyển giao từ Đức. Focar có rất nhiều dòng nước làm mát khác nhau từ loại đậm đặc đến loại đã pha loãng, có cả nước làm mát màu xanh lá, màu đỏ, màu xanh dương…
Nước làm mát ABRO
ABRO là một hãng chuyên các hoá chất, phụ gia ô tô đến từ Mỹ. ABRO có loại nước làm mát màu đỏ và màu xanh. Nước làm mát ABRO thường ở dạng đậm đặc và trước khi sử dụng cần pha loãng theo tỉ lệ 1:10.
Nước làm mát THACO
Nước làm mát THACO do công ty THACO của Việt Nam sản xuất. THACO hiện là đơn vị lắp ráp và phân phối nhiều thương hiệu ô tô lớn tại Việt Nam như BMW, Kia, Mazda, Peugeot. Nước làm mát THACO có giá bình dân, là loại pha loãng có thể sử dụng ngay.
Cách thay nước làm mát ô tô
Chuẩn bị:
- Nước làm mát
- Nước RO và dung dịch vệ sinh hệ thống làm mát
- Chậu để đựng nước làm mát cũ
- Phễu
- Đèn pin
- Tua vít
- Găng tay
Hướng dẫn thay nước làm mát ô tô:
Bước 1: Xả sạch nước làm mát cũ
Thực hiện khi khoang máy xe hoàn toàn nguội hẳn. Đeo găng tay kiểm tra nhiệt độ của hệ thống làm mát lần cuối trước khi tiến hành. Đặt chậu hứng nước làm mát cũ ở dưới gầm xe. Tìm và mở van xả két nước làm mát để xả sạch nước làm mát cũ. Sau khi nước làm mát cũ đã chảy hết, khoá van lại.
Bước 2: Vệ sinh hệ thống làm mát
Đổ nước RO vào, sau đó cho tiếp dung dịch vệ sinh hệ thống làm mát chuyên dụng vào két nước. Đậy chặt nắp. Khởi động cho máy chạy tầm 10 – 15 phút rồi tắt máy và đợi đến khi máy nguội hẳn. Sau đó mở van xả bên dưới để xả sạch nước vệ sinh hệ thống ra ngoài, cuối cùng khoá chặt van xả lại.
Bước 3: Thay nước làm mát mới
Mở nắp bình nước làm mát (bình nước phụ), đổ nước làm mát mới vào. Vẫn mở nắp bình, cho nổ máy xe đến khi thấy nước làm mát rút xuống dần và xuất hiện bóng khí trên bề mặt, để khí đọng thoát ra hết thì dừng. Trong quá trình thực hiện cần chú ý kim đồng hồ nhiệt để tránh xe bị nóng máy. Sau đó châm thêm nước làm mát mới vào bình nước phụ đến mức Full, khoá chặt nắp bình.
Một số lưu ý khi thay nước làm mát ô tô:
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì trước khi sử dụng. Xem đây là loại đã pha loãng sẵn hay đậm đặc cần pha loãng. Nếu là loại đã pha loãng thì có thể sử dụng ngay. Nếu là loại đậm đặc thì cần pha loãng với nước cất theo tỷ lệ mà nhà sản xuất khuyến cáo. Hiện không có tỷ lệ pha chung. Tuỳ theo thành phần nước làm mát cũng như độ đậm đặc mà mỗi nhà sản xuất sẽ đưa ra tỷ lệ pha riêng được in trên bao bì.
Nước làm mát cũ sau khi xả ra ngoài cần cho vào bình và xử lý chất thải theo đúng quy định, không thải trực tiếp ra môi trường.
Nguyên nhân nước làm mát bị hao nhanh
Nước làm mát ô tô được luân chuyển tuần hoàn trong một quy trình khép kín nên mức hao hụt rất thấp. Thông thường sau 2 – 3 năm nước làm mát chỉ hao hụt một lượng nhỏ. Do đó, nếu thấy nước làm mát bị hao nhiều thì khả năng cao là hệ thống làm mát đang gặp vấn đề.
Nước làm mát bị rò rỉ ra ngoài
Nước làm mát bị hao nhanh đa phần là do xuất hiện rò rỉ ở hệ thống đường ống, gioăng phớt, các khúc nối xiết bằng cổ dê, nút bịt lỗ trên động cơ… bị mòn, hở. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn như két nước bị thủng, nắp két nước bị hở… cũng khiến nước làm mát bị chảy nên hao nhanh bất thường, thậm chí bị cạn.
Nước làm mát bị lọt vào buồng đốt
Đây là lỗi rất nghiêm trọng cần xử lý ngay. Nguyên nhân chủ yếu vì gioăng quy lát làm kín mặt máy, thân máy bị mòn hỏng hoặc xi lanh động cơ nứt khiến đường nước làm rò rỉ lọt vào buồng đốt. Nếu không khắc phục sớm, lỗi này có thể gây hại lớn cho hệ thống động cơ, khiến động cơ vận hành không ổn định, xe khó nổ máy, xe bị rung giật, thậm chí xe chết máy giữa đường.
Nguyên nhân nước làm mát bị sôi
Nước làm mát bị sôi là một trong các lỗi rất nguy hiểm bởi khi này nhiệt độ động cơ ở mức quá cao. Khi nước làm mát bị sôi, đồng hồ thường sẽ báo nhiệt độ từ 100 độ C trở lên và nếu nghiêm trọng hơn thì ở két nước sẽ có hiện tượng sủi bọt, bốc hơi.
Có nhiều nguyên nhân khiến nước làm mát ô tô bị sôi, trong đó thường gặp là:
- Nhiệt độ ngoài trời quá cao, xe chạy xuôi chiều gió, không có gió thổi vào khoang máy…
- Xe vận hành liên tục trong thời gian dài không có khoảng nghỉ, xe tải nặng, xe leo dốc dài, xe chạy liên tục ở số thấp…
- Xe bị thiếu nước làm mát do hệ thống đường ống rò rỉ, két nước bị thủng…
- Quạt gió gặp trục trặc
- Máy bơm nước gặp trục trặc
- Dầu nhớt động cơ bị thiếu, bị cũ, khả năng bôi trơn kém, phẩm cấp không đạt yêu cầu…
- Bugi đánh lửa trễ, hệ thống đánh lửa có vấn đề
- Kim phun, hệ thống phun nhiên liệu có vấn đề khiến hỗn hợp cháy nhạt hoặc quá giàu
- Buồng đốt tích tụ nhiều muội than làm cản trở tản nhiệt
Cách xử lý khi nước làm mát xe bị sôi:
Bước 1: Cho xe dừng đỗ vào chỗ an toàn càng sớm càng tốt.
Bước 2: Chuyển số về N để xe nổ máy không tải.
Bước 3: Mở nắp capo và mở hoàn toàn lưới tản nhiệt phía trước để gió lùa vào. Khi này vẫn chưa thể mở nắp két nước vì nước làm mát đang sôi, nếu mở nắp nước có thể trào ra ngoài, rất nguy hiểm.
Bước 4: Khi đồng hồ báo nhiệt độ dưới mức 90 độ C thường nước làm mát đã không còn bị sôi. Lúc này có thể tắt máy và kiểm tra két nước làm mát.
Bước 5: Thật cẩn thận khi mở nắp két nước vì nước hay hơi nước nóng có thể bắn ra gây bỏng. Sau khi kiểm tra, từ từ rót nước làm mát vào két, nên rót thật chậm để tránh nước nóng văng ra ngoài. Khi nước làm mát bị sôi, tuyệt đối không đổ nước lạnh bởi điều này có làm nứt xi lanh, piston, gioăng máy.
Tham khảo thêm:
THÔNG TIN LIÊN HỆ
- Địa chỉ:
– Cơ sở 1: 88 Nguyễn Xiển, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
– Cơ sở 2: Toà nhà 1105, Do Lộ, Hà Đông, Hà Nội - Website: otofordthanhxuan.com
- Email: marketing@xefordthanhxuan.com
- Hotline: 0962 969 161
- Dịch vụ/ cứu hộ: 0962 969 161
- Đặt hẹn: 0962 969 161